Kỷ niệm 104 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Võ Nguyên Giáp Một con người Việt Nam thuộc về thế giới
Ngày đăng :26/09/2014
Nhân kỷ niệm 104 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2014), www.hovuvovietnam.com xin giới thiệu bài viết của Đại tá Hồ Ngọc Sơn, nguyên Trưởng phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, kể lại tình cảm đặc biệt của nhân dân Ấn Độ dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong lần Đại tướng sang Ấn Độ dự Tuần lễ Kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 100 “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới” Hồ Chí Minh (1890-1990).
Hưởng
ứng thông điệp của UNESCO, Ấn Độ đã tổ chức trọng thể Tuần lễ kỷ niệm
ngày sinh lần thứ 100 “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa
thế giới” Hồ Chí Minh (1890-1990). Trân trọng nhận lời mời, Chính phủ ta
đã cử Đại tướng, Phó thủ tướng Võ Nguyên Giáp sang thăm và tham dự.
Chính
phủ Ấn Độ chọn Can-cút-ta, thủ phủ bang Tây Ben-gan, một trong những
thành phố lớn nhất Ấn Độ, có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, cảnh
quan thiên nhiên đẹp, các công trình kiến trúc độc đáo rất hấp dẫn khách
du lịch nước ngoài, làm nơi tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày
sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Can-cút-ta đã chuẩn bị chu đáo Hội thảo quốc tế về Chủ tịch
Hồ Chí Minh; Triển lãm các tác phẩm mỹ thuật về Người; Tuần lễ phim
Việt Nam; lịch các cuộc gặp gỡ, nói chuyện; đặc biệt là lễ khánh thành
dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên ITC ở trung tâm thành
phố và cuộc mít-tinh chính tại sân vận động lớn Néc-ta-gi...
Mở
đầu các hoạt động kỷ niệm là cuộc mít-tinh lớn với hơn 3 vạn người tham
gia; hoa, cờ, quần áo nhiều màu sắc, đẹp rực rỡ như một công viên hoa
khổng lồ. Sau khi đọc diễn văn ca ngợi con người và sự nghiệp vĩ đại của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Ấn Độ Chan-đra Xếch-kha đã dành những
lời tốt đẹp, tâm đắc nói với mọi người: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học
trò của Hồ Chí Minh. Đại tướng đã thể hiện tài năng chiến thuật, sự táo
bạo và sáng tạo tuyệt vời. Các chiến dịch do ngài chỉ huy đã trở thành
kinh điển, được các nhà quân sự cũng như các học giả nghiên cứu. Chiến
thắng mà nước ngài giành được ở Điện Biên Phủ chống lại những thế lực
mạnh hơn mình gấp nhiều lần, đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa thực dân. Mỗi khi người ta ca ngợi những hành động quả
cảm và chủ nghĩa anh hùng, thì Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
sẽ lại được nhắc đến…”.
Suốt
thời gian ở Can-cút-ta, ngày nào Đại tướng cũng làm việc hơn 12 tiếng.
Trước nhà Đại tướng, lúc nào cũng có hàng nghìn người túc trực để được
tận mắt nhìn thấy Đại tướng. Các đảng phái, đoàn thể, các hội quần chúng
của bang Tây Ben-gan đều cử đoàn đại biểu đến chào mừng Đại tướng, bày
tỏ tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Còn
các tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao, các học giả, nhà văn, nhà báo, các
chính khách, sinh viên… lại rất thích thú khi nghe Đại tướng hào hứng
trình bày rất mạch lạc, sâu sắc, bày tỏ lòng kính trọng đối với nền văn
hóa rực rỡ của Ấn Độ; với Ma-hát-ma Gan-đi và đại thi hào Ta-go; tình
bạn đẹp đẽ giữa cố Thủ tướng Nê-ru với Chủ tịch Hồ Chí Minh; ca ngợi
cuộc “Cách mạng xanh”, bước phát triển vượt bậc trong khoa học nghiên
cứu hạt nhân và vũ trụ của Ấn Độ…
Các
bạn Ấn Độ hết sức khâm phục trí tuệ minh mẫn, uyên bác của Đại tướng và
càng ngưỡng mộ khi Đại tướng nói: “Tôi và Tổ quốc tôi không bao giờ
muốn có chiến tranh. Chúng tôi buộc lòng phải cầm súng đứng lên chống kẻ
thù xâm lược để bảo vệ Tổ quốc của mình. Nhân dân Việt Nam nhận thức
sâu sắc cuộc chiến đấu của Việt Nam không chỉ cho riêng mình, còn góp
phần gìn giữ hòa bình và phát triển tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Mọi người Việt Nam đều hiểu rõ và ra sức làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng,
cao cả đó. Ấn Độ và Việt Nam cùng nhau đoàn kết, hợp tác phát triển,
kiên quyết đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới, ngăn chặn và đẩy lùi
chiến tranh; nhất định chúng ta sẽ chiến thắng…”.
Các
buổi tham gia hội thảo quốc tế, xem triển lãm mỹ thuật, dự lễ khánh
thành tượng đài Hồ Chí Minh… của Đại tướng luôn có rất đông các tầng lớp
nhân dân Ấn Độ đứng bên đường chào mừng nồng nhiệt, và được dịp, là mọi
người vây quanh để tận mắt được nhìn rõ Đại tướng.
Trước
khi rời Can-cút-ta trở lại thủ đô Niu-đê-li, Đại tướng có buổi tiếp xúc
với các giáo sư, sinh viên… ở Trường đại học Tổng hợp Can-cút-ta. Đây
là một trong những trường đại học lớn nhất và lâu đời nhất ở Ấn Độ, được
thành lập từ năm 1875.
Đọc
diễn văn trong buổi lễ trao tặng học vị “Tiến sĩ danh dự về văn học”
cho Đại tướng, ngài Thủ hiến bang Tây Ben-gan đánh giá cao những cống
hiến của Đại tướng và nhấn mạnh: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con
người đã thực hiện được sự kết hợp hiếm có giữa sự dũng cảm về quân sự,
minh mẫn về chính trị, sắc sảo về hành chính và tài năng văn học... Các
tác phẩm của ngài như “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, “Từ nhân dân mà ra,
chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân”, “Những năm tháng không thể
nào quên”…, đã mang lại nguồn cổ vũ to lớn cho phong trào giải phóng dân
tộc. Sau buổi lễ này, mọi người chúng tôi đều trở về ngôi nhà của mình,
nhưng tất cả sẽ luôn nhớ mãi rằng: Một con người Việt Nam thuộc về thế
giới, đã có mặt ở nơi đây”.
Cả hội trường trào dâng xúc cảm, vỗ tay vang dậy.
Mọi người lưu luyến, trìu mến như chưa muốn rời xa khi Đại tướng vẫy tay tươi cười chào tạm biệt.
Đã
một phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày ấy. Giờ đây Đại tướng đã lên gặp
Bác Hồ ở nơi tiên cảnh, nhưng chắc chắn hình ảnh cao đẹp của Bác Hồ và
Đại tướng vẫn còn lưu lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng các thế hệ
nhân dân Ấn Độ.
Hồ Ngọc Sơn